Đánh giá Leopold FC900R: Siêu phẩm năm 2016

Đánh giá Leopold FC900R: Siêu phẩm năm 2016

Giới thiệu


Được thành lập vào năm 2006 tại Hàn Quốc, Leopold đã nhanh chóng trở thành một trong những công ty sản xuất bàn phím chơi game nổi tiếng nhất trên thế giới với nhiều dòng sản phẩm huyền thoại làm nên tên tuổi hãng như bàn phím Leopold FC660M hay 750R. Đặc biệt hơn khi vào dịp kỉ niệm 10 năm thành lập công ty, Leopold đã cho ra mắt chiếc bàn phím cơ mới nhất là FC900R với những thiết kế, tính năng xứng đáng trở thành sản phẩm tiêu biểu của năm 2016.


Trên tay tôi là Leopold FC900R tại APshop.


Ưu/Khuyết điểm của Leopold FC900R


Ưu điểm

  • Các nút phím toàn bộ làm từ nhựa PBT chất lượng cao - không bị mòn, vàng theo thời gian.
  • Các nút phím được phủ một lớp sơn nhám chống mồ hôi tay rất tốt dành cho các game thủ bị phong thấp (hay đổ mồ hôi tay).
  • Sử dụng switch Cherry MX thông dụng nổi tiếng nhờ độ bền qua nhiều sản phẩm.
  • Đem lại khả năng thay đổi diện mạo của bàn phím với switch Cherry MX.
  • Thiết kế đơn giản, tinh tế nhưng vẫn mang lại cảm giác cứng cáp cũng như trọng lượng khá nhẹ.
  • Chữ được in ở mặt trước phím để chống việc bị bào mòn, mất chữ theo thời gian.
  • Tính năng DIP đặc biệt cùng với Anti-ghosting


Khuyết điểm

  • Dây cáp không được bọc dù nhưng có khả năng tháo rời rất tiện lợi.
  • Vì in chữ mặt trước cũng như không có đèn led nên sẽ khá bất tiện với những người không nhớ phím khi dùng ở không gian thiếu ánh sáng.



Tổng quan


Hộp đóng gói của Leopold khá đơn giản khi chỉ in tên bàn phím lên mặt trước cùng với 5 thiết kế, tính năng nổi bật đó là: chiều cao nút phím chỉ tầm 1.5 mm - làm từ chất liệu PBT, chữ được in bên cạnh phím, công nghệ lớp cao su giảm tiếng ồn, tính năng NKRO và Cherry MX Switch. Nhưng ở mặt sau lại được công ty ghi rõ chi tiết hơn về các thông số cùng với cách bố trí phím của FC900R.


Mặt trước hộp đóng gói


Mặt sau hộp đóng gói


Bên trong hộp là chiếc bàn phím chúng ta mong chờ cùng với một cuốn sổ tay hướng dẫn sử dụng (toàn tiếng hàn), một dây cáp micro USB và một bịch nilon gồm 2 miếng keycap spacebar/capslock, keypuller cùng với đầu chuyển USB sang PS/2. Leopold thật sự quan tâm tới người dùng khi không chỉ sử dụng đầu USB quen thuộc dành cho các game thủ mà còn tặng kèm cả đầu chuyển PS/2 dành cho dân văn phòng.



Toàn cảnh bàn phím Leopold FC900R


Nhưng, khác với các bàn phím Razer hay Steelseries, dây cáp nối bàn phím tuy rằng có thể tháo rời được nhưng lại không được bọc dù khiến cho việc trầy xước bên ngoài và đứt gãy bên trong hoàn toàn có thể xảy ra. Hơn nữa, với mức giá ở tầm Hi-End nhưng đầu nối USB lại không được mạ vàng nhằm mục đích dẫn điện, chống nhiễu và chống gỉ tốt hơn.


Thiết kế


Ấn tượng đầu tiên của tôi với Leopold FC900R là việc nó sở hữu một thiết kế gọn gàng, tinh tế và cứng cáp kèm với một lớp sơn nhám phủ lên toàn bộ mặt phím giúp mang lại cảm giác sang trọng, đặc biệt với tông màu đen. Hơn nữa, một điểm đặc biệt của FC900R chính là việc các mặt chữ được in phía trước phím thay vì in thẳng lên mặt trên nút phím. Điều này giúp người dùng có thể sử dụng vài năm liên tục mà không cần lo lắng việc mặt phím bị mờ.


Nút phím chỉ cao 1.5mm cùng với việc chữ được in ở mặt trước


Ngoài ra, các nút phím cũng được Leopold thiết kế khá thú vị khi chỉ cao 1.5 mm nhưng hành trình bấm vẫn đầy đủ chứ không đi một nửa như các phím giả cơ. Hơn nữa, vì sử dụng switch Cherry MX nên bạn hoàn toàn có thể dễ dàng đổi bộ phím của mình theo ý thích với các loại nút được thiết kế sẵn trên thị trường. Ví dụ như một bộ phím CSGO, Dota hay Cầu vồng chẳng hạn. Đây chính là ưu điểm lớn của các bàn phím sử dụng switch Cherry MX.


Switch Cherry MX - Red khá thông dụng


Ngoài ra, mặt dưới của bàn phím cũng được Leopold chăm chút khá kỹ khi trang bị bốn miếng cao su chống trượt chất lượng cao ở bốn góc cùng với một đường rãnh đi dây. Với thiết kế này, bạn hoàn toàn có thể sắp xếp dây nối của mình một cách ổn và gọn gàng nhất, đặc biệt khi đang sử dụng trong không gian hẹp như bàn cafe.


Rãnh đi dây nằm dưới bàn phím


Một điểm khác biệt về mặt thiết kế của Leopold FC900R với các bàn phím thông thường chính là việc các phím Numlock, Capslock và Scrollock được gắn đèn led thay vì hiển thị ở khung phải trên cùng. Nhưng thật sự thì việc không có trang bị đèn led khiến cho người dùng không nhớ nút phím khá khó khăn khi sử dụng vào ban đêm hay khu vực thiếu ánh sáng.


Nhưng có lẽ điểm cộng lớn nhất chính là việc toàn bộ các nút phím được phủ một lớp đen nhám mà tôi nói ở trên. Bởi vì, sau khi trải nghiệm thực tế, các nút phím này hoàn toàn có thể chống mồ hôi rất, rất ổn. Điều này sẽ giúp cho các game thủ/người dùng bị phong thấp (hay đổ mồ hôi tay) hoàn toàn có thể không lo lắng về việc nút phím bị trơn trượt hoặc cáu bẩn sau khi sử dụng trong thời gian dài. Tuy nhiên, điểm trừ chính là việc thiết kế này khá hút bụi bẩn xung quanh nhưng lại khá dễ dàng để lau chùi.


Tính năng


Về mặt tính năng, ưu điểm lớn nhất của bàn phím Leopold FC900R chính là các nút phím được làm từ nhựa PBT (Polybutylene Terephtalate) khá dày. Ưu điểm của loại nhựa này chính là độ bền cũng như khả năng chống mòn, vàng theo thời gian khi so sánh với nhựa ABS (Acrylonitrile Butadiene Styrene) thông thường ở các bàn phím hiện nay. Nhưng giá thành của nhựa PBT lại rất cao. Vì thế, hầu như chỉ có Leopold, Poker và IBM/Unicomp là có sản xuất bàn phím sử dụng loại nhựa này.


Nút phím làm từ nhựa PBT rất dày


Như tôi đã nói ở trên, Leopold FC900R sử dụng switch Cherry MX nên bạn hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng của sản phẩm. Ngoài ra, công ty còn trang bị tính năng Anti ghosting hay 6 key roll over - khả năng nhận biết 6 phím bấm cùng lúc với đầu USB (N-key khi bạn dùng đầu PS/2). Điều này hoàn toàn giúp bạn vừa có thể sử dụng để đánh máy tốt vừa có thể chơi game hoàn hảo khi không bỏ qua một lần combo nào cả.


Tuy nhiên, bàn phím FC900R này của Leopold còn có một tính năng khá đặc biệt. Đó chính là Lớp hấp thụ tiếng ồn - Sound Absorbing Pad. Bởi vì, nếu các bạn là một người quen sử dụng bàn phím cơ thì sẽ hiểu tiếng ồn từ các nút phím đôi khi ảnh hưởng ít, nhiều đến những người xung quanh, đặc biệt là nơi công cộng như quán cafe, thư viện hay ở văn phòng làm việc. Với tính năng đặc biệt này, âm thanh các nút phím hầu như được giảm thiểu tối đa nhưng vẫn mang lại cảm giác clicky quen thuộc từ các bàn phím cơ.


Ngoài ra, như các bàn phím chơi game Razer sở hữu trạng thái Gaming có khả năng “tắt” nút windows hay một vài nút khác thì FC900R cũng có khả năng tương tự với tính năng DIP với 4 loại khác nhau dưới đây:


Mức 1


On/Mở: Phím Ctr (bên trái) trở thành Capslock và ngược lại

Off/Tắt: Phím Ctr (bên trái) và Capslock giữ nguyên vị trí.


Mức 2


On/Mở: Phím Windows trở thành phím Alt (bên trái) và ngược lại

Off/Tắt: Phím Windows và Alt (bên trái) giữ nguyên vị trí.


Mức 3


On/Mở: Phím Windows trở thành phím Fn và ngược lại.

Off/Tắt: Phím Windows và Fn giữ nguyên vị trí


Mức 4


On/Mở: Tắt chức năng phím Windows

Off/Tắt: Mở chức năng phím Windows


Khu vực DIP của bàn phím


Mục đích của 4 mức DIP này có lẽ dành cho các game thủ khi chơi game không bấm nhầm nút windows hay một vài người dùng có thói quen đặc biệt. Nhưng dù sao Leopold cũng rất quan tâm đến toàn bộ khách hàng khi kèm theo tính năng khá thú vị này.



Lời kết


Với những tính năng đi kèm thiết kế độc đáo ở trên, Leopold FC900R xứng đáng là một sản phẩm tiêu biểu của năm 2016 cũng như phân khúc Hi-end. Ngoài ra, công ty cũng rất hiểu tâm lý người dùng khi ra mắt thêm hai sản phẩm khác cũng thuộc dòng FC900R chính là Tenkeyless (bỏ phần numpad bên phải) và Mini Size (loại phím tinh giản chỉ có 60 phím). Điều này giúp cho bạn hoàn toàn có thể lựa chọn được loại phím sao cho phù hợp với nhu cầu của bản thân nhất mà vẫn có thể trải nghiệm chiếc bàn phím cơ tốt nhất hiện nay ở mức giá 3 triệu đổ lại của Leopold.


Để biết thêm chi tiết cũng như trải nghiệm thực tế với sản phẩm, bạn có thể để APShop tại 109 Ngô Quyền, Q.10, Tp.Hồ Chí Minh hay liên lạc trực tiếp trên trang web apshop.vn.

Đánh giá Leopold FC900R: Siêu phẩm năm 2016 - Share Facebook Đánh giá Leopold FC900R: Siêu phẩm năm 2016 - Share Instagram Đánh giá Leopold FC900R: Siêu phẩm năm 2016 - Share Twitter Đánh giá Leopold FC900R: Siêu phẩm năm 2016 - Share Telegram
Toby Mr / Thực hiện